Hướng tới kỷ niệm 79 năm thành lập ngành, nhìn nhận lại cả quá trình, công tác thanh tra tại Điện Biên đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Các cuộc thanh tra được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Thông qua công tác thanh tra, đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm giúp đơn vị được thanh tra tăng cường công tác quản lý nhà nước; chấn chỉnh việc áp dụng, chấp hành không đúng các quy định về chế độ, chính sách pháp luật trong công tác quản lý. Đồng thời tham mưu cho cơ quan cấp trên có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, phòng ngừa những sơ hở trong việc chỉ đạo, ban hành cơ chế quản lý, chính sách và qua hoạt động thanh tra đã kiến nghị thu hồi các khoản thu cho ngân sách nhà nước do đối tượng thanh tra vi phạm.
Là một trong 04 phòng Nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh Điện Biên, có chức năng nhiệm vụ chính về công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Phòng Nghiệp vụ IV luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra góp phần nâng cao kết quả hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra được thực hiện qua các Đoàn thanh tra và kết quả cuối cùng thể hiện qua Kết luận thanh tra. Công tác giám sát, thẩm định là một khâu trong quá trình ban hành Kết luận giúp cho việc ban hành Kết luận chính xác, khách quan và đúng mục tiêu của cuộc thanh tra; việc kiểm tra sau thanh tra đảm bảo cho các kiến nghị của kết luận thanh tra được thực thi. Theo đó, từng nội dung của công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra sẽ tác động đến các tiêu chí để đạt được kết quả hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công tácgiám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra còn gặp một số khó khăn nhất định: Một số đoàn thanh tra có lúc phối hợp chưa tốt với Tổ giám sát; thời gian thẩm định dự thảo Kết luận ngắn, một số dự thảo Kết luận có nội dung phức tạp, tính chất đặc thù kỹ thuật chuyên sâu, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong khi số lượng công chức ít và đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Mặc dù vậy, phòng Nghiệp vụ IV đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận là nhờ bám sát Nghị quyết của Chi bộ đảng cơ quan, chỉ đạo của Lãnh đạo cơ quan về nâng cao chất lượng, kết quả hoạt động thanh tra. Phòng cũng đã thường xuyên quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó vận dụng sáng tạo tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kiểm soát - tập trung vào cải tiến quy trình làm việc, hình thức, phương pháp làm việc khoa học, phù hợp với thực tế. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ phòng cũng như sự phối hợp, trao đổi, thảo luận về chuyên môn trong nội bộ cơ quan và giữa phòng với Đoàn thanh tra để tạo sự đồng thuận cao nhất trên cơ sở quy định pháp luật và những vấn đề thực tiễn để xử lý dứt điểm các nội dung còn có ý kiến khác nhau. Kết quả cụ thể: Từ năm 2022 đến nay, phòng đã tham mưu cho lãnh đạo quyết định thành lập 16 Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; tham mưu cho Chánh Thanh tra quyết định thành lập 06 Tổ thẩm định, thẩm định các Dự thảo kết luận thanh tra; tổ chức đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra đã thu hồi nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý số tiền 10.881,84 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100%; đã xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm 27 tổ chức, 71 cá nhân.
Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra đang là đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó việc giám sát, thẩm định và thực thi có hiệu quả các kết luận sau thanh tra có vai trò hết sức quan trọng, quyết định hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách nền hành chính theo hướng phục vụ nhân dân, phục vụ đối tượng thì việc thực hiện triệt để các kết luận sau thanh tra là việc làm quan trọng và cần thiết, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành./.