Tại buổi làm việc, theo đánh giá của các đại biểu, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có hiện tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động, tập trung đông tại trụ sở các cơ quan nhà nước cũng như diễu hành trên đường phố. Trước tình hình đó, UBND TP đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan công tác bầu cử, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. UBND TP đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm tổ chức phối hợp tiếp công dân, không để phát sinh các “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP; giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với Công an TP, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Tiếp công dân TP kiểm tra, rà soát, tập trung giải quyết các vụ việc công dân khiếu kiện đông người phức tạp, tiềm ẩn nhân tố gây phức tạp về an ninh trật tự, có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để không để phát sinh hậu quả phức tạp; Công an TP cũng xây dựng phương án các tình huống phức tạp, nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng khiếu nại, tố cáo của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chính trị lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, phá hoại công tác bầu cử; kiên quyết xử lý, giải tỏa kịp thời người khiếu kiện có hành vi tập trung đông người căng băng rôn, biểu ngữ, hô hoán gây mất an ninh, trật tự trên các tuyến phố, nơi công cộng, các mục tiêu bảo vệ, các địa bàn trọng điểm về an ninh nông thôn ở thời điểm trước, trong và sau bầu cử…
Đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, giải quyết 22 vụ, kết quả đã giải quyết xong được 15 vụ, đang giải quyết 7 vụ, trong đó đang phối hợp với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát vụ KNTC của công dân phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Cũng từ tháng 7/2014 đến nay, Tổng Thanh tra chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tiếp 14 vụ việc KNTC trên địa bàn TP. Trên cơ sở kết luận, chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, UBND TP đã chỉ đạo giải quyết xong 5 vụ; đang giải quyết 4 vụ; còn 6 vụ Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường đang chủ trì xem xét, giải quyết.

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hà Nội và lưu ý, không thể chủ quan với tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, khi giải quyết không được “nóng vội”; phải có phương án bảo vệ Trụ sở Tiếp Công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; các vụ đã được Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp dân phải tập trung giải quyết, nếu có vướng mắc phải báo cáo ngay để tháo gỡ không để vụ việc kéo dài; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm thường xuyên, lâu dài; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 39 của Quốc hội và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung giải quyết các vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đưa Luật Tiếp công dân vào cuộc sống, làm tốt công tác quản lý kinh tế - xã hội của địa phương bởi một trong nguyên nhân chủ quan để xảy ra khiếu nại, tố cáo là do công tác quản lý có sai sót. Đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo các ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND các cấp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị TP, thực hiện đúng theo quy định tại Điều 61 Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, trên tinh thần giải quyết đúng thời hạn quy định, không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh, mạo danh.